Tin tức & Sự kiện
sản phẩm nổi bật
Thống kê truy cập
- Đang truy cập: 7
- Trong ngày: 416
- Hôm qua: 655
- Tổng truy cập: 1003376
- Truy cập nhiều nhất: 3075
Chứng nhận
Công tác quản lý vận tải đường bộ: Đổi mới theo hướng hiện đại
Vận tải nói chung và vận tải ô tô nói riêng có vai trò thiết yếu đối với sản xuất và đời sống của con người. Hiện nay ở nước ta, vận tải ô tô đảm nhiệm trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, vận tải ô tô có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.
Kể từ khi nhà nước chủ trương xã hội hoá lực lượng vận tải đường bộ, các thành phần kinh tế đã phát triển mạnh mẽ, các phương tiện kinh doanh vận tải gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Cùng với sự phát triển của lực lượng vận tải, công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ cũng đã có những chuyển biến tích cực và ngày càng được hoàn thiện.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đến nay vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém tác động tiêu cực đến chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông, làm hạn chế những thành công trong quá trình phát triển của vận tải đường bộ. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chở quá tải… diễn ra phổ biến. Hiện tượng “xe dù”, “bến cóc”, “cơm tù”, đón trả khách không đúng nơi quy định, tranh giành khách, bán khách,… vẫn tồn tại; công tác quản lý nhà nước về vận tải tuy không ngừng được hoàn thiện và đã đạt được những kết quả nhất định nhưng chưa thật sự được đổi mới, chưa theo kịp với sự phát triển và những diễn biến của hoạt động vận tải; công tác quản lý của các đơn vị vận tải còn nhiều yếu kém; tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do xe ô tô gây ra chiếm tỷ trọng lớn và có chiều hướng gia tăng.
Để khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế nhằm thúc đẩy sự phát triển của lực lượng vận tải đường bộ một cách ổn định, theo hướng hiện đại, đảm bảo an toàn với chất lượng dịch vụ ngày càng cao đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì cần thiết phải có sự góp sức, phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành và của chính các đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.
Trong đó, trước hết cần đổi mới công tác quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại nhằm tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước cũng như quản lý tại các đơn vị trong lĩnh vực vận tải bằng ô tô. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất và được sự chấp thuận của Bộ GTVT đang tiến hành xây dựng đề án “Đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải” qua đó góp phần thúc đẩy cơ cấu lại các đơn vị vận tải đường bộ và định hướng phát triển theo hướng hiện đại, đạt được hiệu quả kinh tế và xã hội ngày càng cao, nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập quốc tế và khu vực, phù hợp với định hướng CNH, HĐH theo Nghị quyết lần thứ XI của Đảng.
Đổi mới toàn diện công tác quản lý vận tải đường bộ thì cần phải có sự thống nhất về quan điểm và phải thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, nhiệm vụ khác nhau với các bước triển khai thích hợp trong từng giai đoạn, thời điểm cụ thể. Trong bài viết này sẽ trình bày một số quan điểm và nội dung cơ bản của việc đổi mới công tác quản lý vận tải đường bộ đã được nêu trong dự thảo Đề án như sau:
Về định hướng và mục tiêu đổi mới quản lý hoạt động vận tải đường bộ: Trên cơ sở các quy định của Luật Giao thông Đường bộ năm 2008: đổi mới phương pháp quản lý theo hướng cải cách thủ tục hành chính; áp dụng công nghệ quản lý tiên tiến, hiện đại; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về vận tải; tạo cơ chế khuyến khích, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn để các đơn vị vận tải thực sự quản lý tốt công tác an toàn giao thông và chất lượng dịch vụ vận tải, cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững, hội nhập khu vực và Quốc tế.
Về nội dung đổi mới quản lý hoạt động vận tải đường bộ: Với định hướng và mục tiêu trên, đổi mới quản lý hoạt động vận tải bao gồm 03 nội dung cơ bản sau: Một là: Quy chuẩn, tiêu chuẩn hóa về chất lượng dịch vụ vận tải, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải (bến xe, trạm dừng nghỉ đường bộ).
Để quản lý chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông trong vận tải hành khách, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trình Bộ dự thảo Quy chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách để xem xét ban hành. Theo đó có 5 tiêu chí đánh giá gồm: chất lượng phương tiện (với 4 nội dung cụ thể); lái xe và nhân viên phục vụ trên xe (với 6 nội dung cụ thể); hành trình vận tải (với 4 nội dung cụ thể); tổ chức quản lý của đơn vị về ATGT và chất lượng dịch vụ vận tải (với 6 nội dung cụ thể); quyền lợi của hành khách (với 4 nội dung cụ thể).
Mỗi tiêu chí đánh giá được lượng hóa bằng phương pháp tính điểm; tổng số điểm đạt được sẽ tương ứng với từng mức chất lượng dịch vụ vận tải được thể hiện bằng số sao (*) với điều kiện không có tiêu chí nào bị điểm liệt (thấp hơn số điểm theo quy định tối thiểu phải đạt được). Để quản lý an toàn giao thông trong vận tải hàng hóa, Tổng cục Đường bộ sẽ xây dựng, trình Bộ GTVT ban hành tiêu chuẩn về ATGT trong hoạt động vận tải hàng hóa.
Đối với bến xe khách, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trình Bộ GTVT dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia bến xe khách. Theo đó, các quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng hiện đại hóa, phù hợp với từng loại bến xe, nâng cao sức thu hút hấp dẫn khách đi xe vào bến xe; bến xe cũng là nơi mà qua đó, nhà nước kiểm soát chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách trên các tuyến cố định.
Đối với trạm dừng nghỉ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trình Bộ GTVT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia trạm dừng nghỉ theo hướng tiếp cận các mô hình phù hợp, hiện có của một số nước nhằm đáp ứng nhu cầu dừng nghỉ của phương tiện và hành khách; giúp tổ chức vận tải khoa học, đảm bảo an toàn giao thông và là nơi để quản bá, giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các địa phương. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn này đã bao gồm cả các quy trình thực hiện các thủ tục về đăng ký, kiểm tra, công nhận hợp chuẩn, hợp quy.
Hai là: Trên cơ sở các quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng, chỉ những đơn vị đủ điều kiện mới được hoạt động kinh doanh vận tải; đồng thời qua đó phân loại được các đơn vị vận tải (nhất là đối với các đơn vị vận tải hành khách) thành các hạng tương ứng với mức độ đạt được về chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông để có cơ chế, chính sách quản lý phù hợp theo hướng: Nhà nước công bố rộng rãi các đơn vị vận tải đã được công nhận hợp quy, hợp chuẩn về chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông; xác định và công bố định kỳ về chỉ số an toàn giao thông của các đơn vị vận tải để hành khách, chủ hàng biết và có cơ sở lựa chọn người cung cấp dịch vụ;
Quy định những đơn vị vận tải có chất lượng dịch vụ ở mức nhất định mới cho phép tham gia kinh doanh vận tải trên các tuyến đường dài, vận tải Quốc tế và mở rộng phạm vi kinh doanh; Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xây dựng và áp dụng các mức khác nhau về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới kinh doanh vận tải tương ứng với từng mức độ bảo đảm an toàn giao thông của đơn vị vận tải theo hướng đơn vị làm tốt sẽ giảm mức bảo hiểm và ngược lại; Kiến nghị các cơ quan tuần tra, kiểm soát giao thông trên đường có hình thức kiểm soát phù hợp. Cụ thể: giảm tần suất dừng xe để kiểm tra trên đường đối với các phương tiện kinh doanh vận tải có hạng chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông cáo;
Khuyến cáo các chủ hàng và các cơ quan, tổ chức nhà nước khi có nhu cầu vận chuyển hàng hóa ưu tiên lựa chọn các đơn vị vận tải hàng hóa thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông để ký hợp đồng vận tải; Xây dựng trang thông tin điện tử (Web) về dịch vụ vận tải, tiếp nhận, cập nhật đầy đủ, có hệ thống các thông tin phản ánh của hành khách và các cơ quan thông tin đại chúng. Trên cơ sở đó, công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với hoạt động vận tải sẽ tập trung vào những đơn vị có chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông thấp, các đơn vị có nhiều ý kiến phản ánh, khiếu nại trên trang Web.
Ba là: Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động vận tải. Áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động vận tải vừa là một nội dung đổi mới vừa là một giải pháp quan trọng để thực hiện Đề án. Hệ thống thông tin trong vận tải bao gồm việc sử dụng thống nhất các phần mềm quản lý về chất lượng dịch vụ vận tải, an toàn giao thông của các đơn vị vận tải, phần mềm quản lý bến xe được kết nối về các Sở GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Tại các Sở GTVT và Tổng cục ĐBVN sẽ có cơ sở dữ liệu về chất lượng dịch vụ vận tải; an toàn giao thông; hoạt động của bến xe; tích hợp, phân tích các dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các phương tiện; tiếp nhận thông tin phản ánh của hành khách; cung cấp các dữ liệu về tuyến vận tải, đơn vị vận tải, chất lượng dịch vụ, giá cước để hành khách tham khảo, lựa chọn khi có nhu cầu. Các thông tin về bến xe, hành trình, trạm dừng nghỉ giúp cho các đơn vị vận tải lựa chọn, xây dựng phương án chạy xe hợp lý, an toàn.
Đề xuất thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu về vận tải với cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông và xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông của Bộ Công an, thông qua đó các đơn vị vận tải sẽ có cơ sở lựa chọn, tuyển dụng, quản lý, giáo dục, sử dụng và bố trí lái xe phù hợp. Hệ thống thông tin còn cho phép tiếp tục thực hiện mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thủ tục giấy tờ và thời gian để hoàn thành các thủ tục hành chính hiện nay.
Việc áp dụng công nghệ thông tin cũng có thể tạo ra cơ hội để các chủ hàng đăng tải nhu cầu vận chuyển và các chủ phương tiện đăng tải năng lực vận tải, qua đó chủ hàng và đơn vị vận tải có thể tiếp xúc, giao dịch làm cho thị trường vận tải hàng hóa minh bạch hơn, tạo cơ hội cao hơn cho việc kết hợp vận chuyển hàng hóa hai chiều, nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Hệ thống thông tin trong quản lý vận tải đường bộ có vai trò hết sức quan trọng và nếu được áp dụng sẽ mang lại hiệu quả cao. Tổng cục ĐBVN đề nghị Bộ GTVT tạo điều kiện để có nhanh chóng xây dựng và sớm đưa Hệ thống vào hoạt động.
Để đổi mới quản lý vận tải theo các nội dung như trên, cần phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật về vận tải đường bộ, đặc biệt là việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định về trách nhiệm truyền dẫn, cập nhật, khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và Thông tư quy định về trách nhiệm và xử lý vi phạm trong quản lý hoạt động vận tải.
Quản lý hoạt động vận tải liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, Tổng cục ĐBVN rất mong muốn nhận được sự chỉ đạo của Bộ GTVT và sự đồng tình, ủng hộ, phối hợp thực hiện của các cấp, các ngành, Hiệp hội vận tải ô tô, các đơn vị vận tải, các bến xe trong cả nước.